” TĂNG TRƯỞNG CHẬM LẠI NHƯNG GIÁ CỔ PHIẾU ĐÃ VỀ VÙNG HẤP DẪN “
I. CẬP NHẬT HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
- TÍN DỤNG VÀ TIỀN GỬI
Theo số liệu Tổng cục thống kê, tới ngày 20/9/22, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt mức 10,54%. Sau giai đoạn tín dụng tăng chậm vào tháng 7 và tháng 8 thì các ngân hàng đã tiếp tục đẩy mạnh cho vay sau khi được nới room đầu tháng 9. Mức tăng này cao hơn hẳn mức tăng 7,17% của cùng kỳ năm 2021, thể hiện nhu cầu vốn của các doanh nghiệp đang tăng cao sau dịch.
Huy động vốn tại các TCTD đã tăng 4,04% so với đầu năm. Mức tăng này chỉ bằng gần nửa so với tăng trưởng tín dụng và chậm hơn mức tăng trưởng 4,28% của cùng kỳ năm ngoái. Mặt bằng lãi suất tiền gửi vẫn đang ở vùng thấp và làm giảm sự hấp dẫn của kênh tiền gửi. Sự mất cân bằng giữa tăng trưởng tiền gửi và tín dụng từ đầu năm cũng có thể là nguyên nhân đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng cao. Lãi suất liên ngân hàng đã có lúc vượt mức kỷ lục 7,5% trong gần một thập kỷ qua. Cơ cấu tiền gửi theo đối tượng đang có sự phân hóa, tiền gửi từ dân cư đang tăng nhanh hơn tiền gửi từ các TCKT.
2. VỀ CHẤT LƯỢNG TÀI SẢN
Tỷ lệ bao nợ xấu duy trì mức cao tạo bộ đệm vững chắc về tình hình hoạt động. Tại 30/06/2022, tỷ lệ nợ xấu của 27 ngân hàng đang niêm yết tăng lên 1,5% so với mức 1,37% thời điểm 31/12/2021. Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh như: NVB (tăng từ 3% lên 11,05%), SHB (tăng từ 1,69% lên 2,55%), VPB (tăng từ 4,57% lên 5,25%),… Đối với nợ nhóm 2 (quá hạn đến 90 ngày), chúng tôi ghi nhận sự tăng nhanh ở một số ngân hàng như BAB (+165%), SSB (+123%), VCB (+70%),…Cần lưu ý các khoản nợ này sẽ chuyển nhóm thành nợ xấu trong thời gian tới nếu các ngân hàng không kịp thời thu hồi.
Điểm tích cực, đa số các ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao kỷ lục như VCB trên 500%, BID và MBB trên 200%; CTG, ACB, TCB, TPB, STB và LPB tiếp tục duy trì trên 100%. Việc này sẽ giúp những ngân hàng trên củng cố bộ đệm an toàn vốn khi các khoản nợ tái cơ cấu hoặc nợ có vấn đề chuyển nhóm nợ xấu, đồng thời tạo nguồn lợi nhuận từ hoàn nhập dự phòng trong tương lai.
3. VỀ DOANH THU VÀ CHI PHÍ
Tổng thu nhập hoạt động 6T/22 tăng 19%yoy với điểm sáng từ thu nhập ngoài lãi. Một số ngân hàng có tổng thu nhập tăng trưởng tốt như: LPB (+47%yoy), VPB (+37%yoy), TPB (+31%yoy),…Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi tăng 23%yoy chủ yếu nhờ lãi dịch vụ tăng 12%yoy, lãi hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 49%yoy và các hoạt động dịch vụ khác tăng mạnh 76%yoy. Tính riêng Q2/22, thu nhập hoạt động tăng 16%yoy do thu lãi thuần tăng ổn định 16%yoy, lãi dịch vụ tăng 10%yoy và lãi kinh doanh ngoại hối tăng 50%yo.
Tổng chi phí 6T/22 chỉ tăng 8,3% so với cùng kỳ nhờ giảm trích lập dự phòng. Trong đó, chi phí dự phòng đã giảm nhẹ 1% sau giai đoạn dịch nhờ giảm trích lập dự phòng. Tổng chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ 15% trong khi tổng thu nhập hoạt động tăng 19% khiến hệ số CIR của các ngân hàng đã giảm xuống 31,3% từ mức 32,3% trong 6T/21.
II. TRIỂN VỌNG NGÀNH TRONG GIAI ĐOẠN SẮP TỚI
- Thu nhập lãi thuần có thể sẽ tăng trưởng chậm lại do dư địa room tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực khi lãi suất huy động đang có xu hướng tăng.
+ Hạn mức tín dụng không còn nhiều.
Về mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% và mức độ nới room giữa các ngân hàng sẽ có sự khác nhau dựa trên việc ưu tiên các ngân hàng có hệ số an toàn vốn CAR cao, chất lượng tài sản tốt, xếp hạng tín nhiệm cao, cơ cấu danh mục tín dụng lành mạnh và tham gia thực hiện tái cơ cấu TCTD yếu kém. Như vậy, sau đợt nới room vừa rồi thì chỉ còn khoản 4% nữa cho các tháng cuối năm nên có thể kỳ vọng sẽ có một đợt nới room tiếp theo trong giai đoạn tới.
+ Dự báo NIM toàn ngành có thể chịu áp lực thời gian tới khi lãi suất đầu vào có xu hướng tăng nhưng lãi suất cho vay được duy trì ổn định.
Chúng tôi cho rằng, NIM các ngân hàng sẽ chịu áp lực trong thời gian tới khi định hướng điều hành của NHNN hiện nay là tăng lãi suất huy động nhưng vẫn cố gắng duy trì ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Vì gần đây nhất, NHNN đã điều chỉnh tăng các lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu) thêm 1% sau gần 2 năm ổn định mức thấp. Cùng với đó, trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn (1 tháng đến dưới 6 tháng) được tăng lên mức 5% trong khi lãi suất huy động tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng lên 0,5%.
Thông tư 08/2021 quy định về điều chỉnh mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 37% hiện tại xuống 34% vào đầu tháng 10 cũng có thể khiến chi phí vốn các ngân hàng gia tăng (do phải tăng huy động dài hạn khiến chi phí vốn cao hơn).
Tuy nhiên vẫn sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng: NIM có thể ổn định tại các ngân hàng tạo dựng được hệ sinh thái đa dạng, đẩy mạnh phát triển công nghệ số, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và có khả năng huy động vốn từ thị trường quốc tế. Kỳ vọng tỷ lệ CASA tại các ngân hàng sẽ có thể hồi phục trở lại thời gian tới (khi tín dụng được nới) sau đà giảm chung ở Q2/22.
+ Thu ngoài lãi kỳ vọng sẽ được đẩy mạnh, tiếp tục xu hướng tăng nửa cuối năm, trong đó đóng góp chính là khoản thu dịch vụ bancassurance và phí thẻ.
Doanh thu bancassurance hiện chiếm đa số trong doanh thu phí của các ngân hàng. Với kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt, mảng kinh doanh bảo hiểm đang dần tăng trưởng tích cực và còn nhiều dư địa với tỷ lệ thâm nhập cùng phí bảo hiểm bình quân vẫn ở mức thấp. Thêm vào đó, kỳ vọng Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi mới được thông qua có hiệu lực vào đầu năm 2023 sẽ có tác động tích cực tới ngành.
+ Bên cạnh đó, mảng kinh doanh trái phiếu của các ngân hàng có thể gặp trở ngại khi mặt bằng lãi suất đang nhích tăng và giá trị các khoản đầu tư được ghi nhận theo giá trị thị trường (mark to market). Hiện nay, lãi suất TPCP 10 năm đã tăng lên 5,06%. Một số ngân hàng có lợi nhuận từ chứng khoán kinh doanh năm 2021 cao như: BID, CTG, ACB,… có thể gặp khó khăn để duy trì tăng trưởng lợi nhuận mảng này trong năm 2022.
+ Nợ xấu có thể tăng sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực.
Nợ tái cơ cấu tại đa số các ngân hàng đã giảm so với đầu năm khiến tỷ lệ nợ trên/tổng dư nợ thời điểm 30/6/22 ở mức khá thấp. Biến động tích cực trên sẽ giúp những ngân hàng đã trích lập đủ dự phòng nợ tái cơ cấu trước đó có thể được hoàn nhập trong tương lai. Có thể kể tới một số ngân hàng như ACB, BID, VCB,… Ngược lại, những ngân hàng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu ở mức cao và dự phòng rủi ro các khoản nợ trên thấp sẽ có thể chịu áp lực nợ xấu gia tăng. Chúng tôi cho rằng Thông tư 14 hết hạn vào cuối tháng 6 vừa qua sẽ phản ánh lên nợ xấu các ngân hàng thời gian tới nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Ngân hàng là một trong những tổ chức nắm giữ lượng lớn TPDN phát hành ra thị trường (khoảng trên 50%), nhóm ngân hàng trong hệ thống có tỷ trọng nắm giữ TPDN/tổng dư nợ tín dụng cao (thời điểm 30/6/22) là TPB (13,4%), TCB (11,2%), MBB (10,7%) và VPB (8,7%). Việc nắm giữ lượng lớn TPDN có thể khiến các ngân hàng bị ảnh hưởng nếu những doanh nghiệp này gặp khó khăn.
Thời điểm 30/6/2022 tín dụng vào lĩnh vực BĐS vẫn tăng trưởng 14,07% so với cuối năm 2021 và chiếm 20,7% tổng tín dụng. Chúng tôi cho rằng khả năng vay và trả nợ của các doanh nghiệp BĐS vẫn khá ổn khi tỷ lệ nợ đòn bẩy/VSCH và chỉ số bao phủ lãi vay có xu hướng giảm (Q1/22, các con số này lần lượt là 0,47 lần và 5,6 lần giảm từ mức tương ứng 0,48 lần và 7,05 lần cuối năm 2021) (theo FiinGroup). Tuy nhiên, các quy định về pháp lý khiến thị trường BĐS khá biến động và trầm lắng trong thời gian qua có thể gây ảnh hưởng tới định giá TSĐB các ngân hàng khi hiện nay TSĐB chủ yếu là BĐS.
+ Tác động của nghị định 65 tới các ngân hàng
Khi Nghị định 65 được ban hành vừa qua sẽ củng cố hành lang pháp lý, khơi thông lại nguồn vốn, khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh huy động qua kênh TPDN thay vì chỉ tập trung vào tín dụng ngân hàng. Điều này sẽ giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro thanh khoản, mất cân đối về cơ cấu thời hạn vốn tín dụng khi phần lớn nguồn vốn huy động là ngắn hạn (chiếm khoảng 80% tổng huy động). Thêm vào đó, kỳ vọng nghị định 65 có thể cân đối hài hòa giữa thị trường vốn và tiền tệ, thúc đẩy phát triển việc tìm kiếm vốn trung dài hạn qua kênh TPDN, vốn ngắn hạn qua các ngân hàng.
+ Tỷ lệ thực hiện kế hoạch kinh doanh
Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế của phần lớn ngân hàng đêu đạt trên 50%, trong số đó vượt trội nhất là LPB với tỷ lệ hoàn thành 80%. Tuy nhiên, với diễn biến của vĩ mô hiện tại thì tình hình kinh doanh của các ngân hàng giai đoan cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Và để đạt được kế hoạch đặt ra đầu năm, các ngân hàng có thể phải có những giải pháp riêng như cơ cấu lại vốn tín dụng (đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, tăng thu hồi nợ…) và tăng thu ngoài lãi. Kỳ vọng một số ngân hàng có kế hoạch kinh doanh 2022 tăng trưởng cao như BID, VCB,… vẫn hoàn thành được mục tiêu đặt ra. Trong khi đó, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, bộ đệm rủi ro và room tín dụng thấp sẽ gặp áp lực.
+ Các kế hoạch tăng vốn dự kiến được thực hiện cuối năm
Việc tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ hoặc phát hành cho cổ đông hiện hữu sẽ giúp các ngân hàng củng cố tiềm lực tài chính, cải thiện hệ số an toàn vốn CAR, gia tăng vốn chủ sở hữu và nguồn vốn trung dài hạn, phát triển kinh doanh. Những thông tin cụ thể về kế hoạch phát hành riêng lẻ/phát hành ra công chúng thông thường sẽ tạo ra những biến động lên giá cổ phiếu.
ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Chúng tôi đánh giá lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 – 2021. Động lực tăng trưởng của nhóm bị suy giảm hơn khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng.
Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng một số yếu tố có thể hỗ trợ cho nhóm ngân hàng thời gian tới gồm: (1) việc có thể có thêm đợt nới room vào cuối năm cho một số ngân hàng khi hạn mức tăng trưởng tín dụng hiện nay vẫn dưới mục tiêu 14%; (2) các kế hoạch tăng vốn dự kiến được triển khai thời gian tới; (3) định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng đã được chiết khấu về mức hấp dẫn khi giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm.
III. MỘT SỐ MÃ CỔ PHIẾU TRIỂN VỌNG
+ Định giá đã về mức hấp dẫn
( Để xem báo cáo phân tích từng cổ phiếu, bạn có thể truy cập vào mục phân tích doanh nghiệp trên thanh công cụ để xem chi tiết hơn về từng mã trong nhóm ngành này )