BÁO CÁO NGÀNH LÚA GẠO: giá gạo dự báo tiếp tục tăng trưởng !

0
142

Báo cáo cập nhật bức tranh toàn cảnh về tình hình sản xuất, biến động giá cả, tình hình tiêu thụ và các dự báo về thị trường gạo trong nước và thế giới.

PHẦN 1: THỊ TRƯỜNG GẠO THẾ GIỚI

  1. Sản xuất và tiêu thụ

Trong 9 tháng đầu năm 2022, số liệu từ các tổ chức thế giới đều cho thấy sản lượng sản xuất gạo toàn cầu đều giảm từ 1,4-2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Về sản lượng tiêu thụ gạo toàn cầu, theo tính toán của FAO đạt 389 triệu tấn trong 9 tháng đầu năm 2022 và giảm 0,7% với cùng kỳ 2021. Còn theo IGC ước tính sản lượng tiêu thụ gạo ở mức 386 triệu tấn, giảm 0,64%.

2. Tình hình xuất nhập khẩu

Trong quý III, các chính sách hạn chế của Ấn Độ đối với hoạt động xuất khẩu gạo đã làm tê liệt nhiều giao dịch trên thị trường gạo châu Á. Điều này khiến khách hàng tìm kiếm nguồn cung thay thế từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar.

a. Xuất khẩu

Thái Lan: Tờ Bangkok Post cho biết, theo chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này có thể đạt 8 triệu tấn trong năm 2022 do bão Noru gây lũ lụt nhưng có tác động nhỏ lên sản xuất gạo Thái Lan và đồng Baht yếu thúc đẩy xuất khẩu.

Ấn Độ: Theo Reuters, Ấn Độ đang cân nhắc cho phép xuất khẩu một số lô hàng gạo đang mắc kẹt tại các cảng sau khi chính phủ nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới áp các lệnh hạn chế xuất khẩu hồi đầu tháng, theo một nhà chức trách chính phủ Ấn Độ tiết lộ. Để tăng cường nguồn cung nội địa và bình ổn giá sau khi lượng mưa thấp hơn trung bình trong mùa mưa năm 2022 làm giảm diện tích xuống giống, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu 20% đối với nhiều loại gạo khác vào ngày 8/9. Động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã khiến khoảng 1 triệu tấn gạo của nước này bị mắc kẹt tại các cảng.

Pakistan: Theo các chuyên gia, nguồn cung gạo dồi dào từ các nước xuất khẩu chủ chốt có thể bù đắp phần lớn sản lượng sụt giảm sau các trận lụt tại Pakistan và nắng nóng nghiêm trọng tại Trung Quốc khiến mùa màng hư hại, qua đó giúp bình ổn giá mặt hàng lương thực này.

EU: Số liệu xuất nhập khẩu gạo mới nhất do EU công bố, EU đã xuất khẩu 331.303 tấn gạo (loại tương đương) trong giai đoạn 1/9/2021 – 14/8/2022, tăng khoảng 10% so với mức 301.478 tấn cùng kỳ năm trước bao gồm gạo tròn 225.230 tấn và gạo dài 106.073 tấn.

Campuchia: Theo nguồn tin từ Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF), nước này đã xuất khẩu 389.000 tấn gạo xay xát các loại trong 8 tháng đầu năm 2022, tăng 13% so với cùng kỳ 2021.Trung Quốc tiếp tục là nước tiêu thụ gạo lớn nhất của nguồn cung này khi chiếm đến 44% tổng khối lượng xuất khẩu, theo sau là Pháp (15%) và Malaysia (6%).Về cơ cấu chất lượng gạo, gạo thơm đứng đầu với 65,8%, gạo trắng là 29,91% và các loại khác chiếm tỷ trọng dưới 5%.

b. Nhập khẩu

Trung Quốc: Mới đây, USDA đã công bố bảng cân đối gạo mới nhất của Trung Quốc. Sản xuất, tiêu thụ và nhập khẩu gạo đã xay xát được dự báo sẽ giảm so với năm trước.

Hạn hán đã ảnh hưởng đến các tỉnh miền Nam, chiếm khoảng 65% sản lượng của Trung Quốc. Hạn hán ảnh hưởng đến các diện tích lúa từ giữa đến cuối niên vụ, giai đoạn sinh trưởng quan trọng và nhạy cảm nhất với nhiệt độ và lượng mưa.

Giá gạo nội địa của Trung Quốc vẫn ổn định bất chấp hạn hán và biến động giá quốc tế.

Kể từ năm 2020, gần một nửa lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc là gạo tấm, chủ yếu từ Ấn Độ và Myanmar để làm thức ăn chăn nuôi cũng như sản xuất rượu và đồ ăn nhẹ.

Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 2,5 triệu tấn gạo tấm từ Ấn Độ trong 6 tháng đầu năm nay. Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với một số loại gạo. Các nguồn tin và nhà phân tích dự đoán Trung Quốc có thể sẽ quay sang Pakistan để lấp đầy khoảng trống mà Ấn Độ để lại.

Hàn Quốc: Chính phủ Hàn Quốc đang có kế hoạch mua tổng cộng 900.000 tấn gạo trong mùa thu hoạch hiện tại, tăng so với 350.000 tấn được mua trong năm trước, dẫn lời Bộ Nông nghiệp.

Ban đầu, chính phủ đã tìm cách mua 450.000 tấn trong năm nay để ổn định giá cả. Nhưng bây giờ, họ quyết định mua thêm 450.000 tấn, nâng tổng số lượng mua lên 900.000 tấn.

Chính phủ đang kỳ vọng vụ thu hoạch năm nay sẽ bội thu tương tự như năm ngoái, và tình hình có thể dẫn đến cung vượt cầu và giá tiếp tục giảm trong bối cảnh tiêu thụ giảm do thói quen ăn uống thay đổi.

Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, tháng 9 vừa qua, giá gạo 20 kg giảm 24,9% so với cùng kỳ năm trước – mức giảm mạnh nhất trong vòng 45 năm qua.Trong khi đó, Hàn Quốc dự kiến sẽ chỉ tiêu thụ 51,9 kg gạo/người vào năm 2022, ít hơn một nửa so với mức tiêu thụ của 30 năm trước, do nhu cầu tiêu thụ gạo của các trường học, doanh nghiệp và nhà hàng vẫn chưa phục hồi do tác động của đại dịch COVID-19.

Philippines: Mới đây, USDA đã công bố bảng cân đối gạo mới nhất của mình dành cho Philippines.

Cơ quan này đã hạ dự báo sản lượng lúa gạo 2022-2023 (tháng 7/2022 đến tháng 6/2023) của Philippines xuống 19 triệu tấn so với dự báo chính thức của USDA là 19,7 triệu tấn. Sự sụt giảm này là do lượng phân bón giảm trong bối cảnh giá cả tăng cao, cũng như ảnh hưởng của bão Noru.

Theo trang tin Philstar, sau khi lượng lớn hoa màu tại đảo Luzon của Philippines bị bão Noru tàn phá, quốc gia Đông Nam Á này có thể phải tính đến phương án nhập khẩu gạo nhiều hơn trong thời gian tới với chi phí cao hơn đáng kể do đồng peso tiếp tục suy yếu.

Hiện Bộ Nông nghiệp Philippines đang phối hợp với các cơ quan liên quan để đánh giá mức độ thiệt hại.

Nhật Bản: Theo thông báo trên trang website của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF), gói thầu thứ ba của CPTPP SBS đối với 1.080 tấn gạo được tiến hành vào ngày 27/9/2022, đã nhận được 100 tấn dự thầu, nhưng các hồ sơ dự thầu đã không thành công.

Do đó Bộ đã tiến hành đấu thầu lại 100 tấn vào ngày 28/9/2022. Nhưng không nhận được đơn. Hiệu lực của đợt thầu CPTPP SBS gạo 1.080 tấn vào ngày 27/9/2022, không nhận được thành công nào. Oryza đã báo cáo thông báo đấu thầu vào ngày 14/9//2022.

3. Diễn biến giá

Sau một tháng đi ngang, chỉ số giá gạo FAO trong tháng 9 đạt 110,9 điểm, tăng 2,2% so với tháng 8/2022 và là mức cao nhất trong 18 tháng qua.

Theo tin từ Reuters, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong tuần cuối tháng 9 do nhu cầu mạnh mẽ.Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu từ Ấn Độ – nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới lại giảm do đồng rupee lao dốc và nguồn cung được cải thiện.

Hiện Philippines là khách hàng mua gạo lớn nhất của Việt Nam.Trong khi đó, nguồn cung trong nước đang ở mức thấp khi vụ thu hoạch Hè Thu sắp kết thúc.

Kế hoạch nhập khẩu gạo của nước láng giềng Bangladesh – với tổng cộng 530.000 tấn được mua từ Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ – để hạ nhiệt giá mặt hàng này trong nước đã nhận được phản ứng khá mờ nhạt.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng giảm xuống còn từ 415-425 USD/tấn, từ mức 422-435 USD/tấn của tuần trước. Nhu cầu gạo đã suy giảm, song các trận lũ lụt ở nước ngoài có thể làm tăng nhu cầu đối với gạo Thái Lan, với nguồn cung rất dồi dào.

PHẦN 2: THỊ TRƯỜNG GẠO VIỆT NAM

  1. Sản xuất 

a. Diện tích gieo trồng, thu hoạch

Diện tích gieo cấy vụ hè thu năm nay ước đạt 1.915,6 nghìn ha, giảm 38,6 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước.Tính đến ngày 15/9/2022, các địa phương đã thu hoạch được 1.830,1 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 95,5% diện tích gieo cấy và bằng 100,3% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch 1.440,7 nghìn ha, chiếm 97,6% và bằng 100,6%. Năng suất lúa hè thu cả nước năm nay đạt 56,4 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha so với vụ hè thu năm 2021; sản lượng đạt 10,8 triệu tấn, giảm 340 nghìn tấn.

Lúa thu đông: Đến giữa tháng 9, vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo cấy được 574 nghìn ha lúa thu đông, bằng 93,7% cùng kỳ năm trước.

b. Tính hình sâu, dịch bệnh, thời tiết

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) vào tuần cuối tháng 9:

  • Rầy hại lúa: Diện tích nhiễm 1.694 ha (giảm 650 ha so với kỳ trước, giảm 1.397 ha so với cùng kỳ năm trước), trong đó nhiễm nặng 17 ha, phòng trừ trong kỳ 1.370 ha.
  • Sâu cuốn lá nhỏ: Diện tích nhiễm 3.437 ha (giảm 5.237 ha so với kỳ trước, tăng 135 ha so với cùng kỳ năm trước), phòng trừ trong kỳ 2.387 ha.
  • Sâu đục thân 2 chấm: Diện tích nhiễm 506 ha (tăng 12 ha so với kỳ trước, giảm 1.103 ha so với CKNT), nhiễm nặng 04 ha, phòng trừ trong kỳ 342 ha.
  • Bệnh đen lép hạt: Diện tích nhiễm 2.484 ha (giảm 576 ha so với kỳ trước, giảm 1.665 ha so với cùng kỳ năm trước), trong đó nhiễm nặng 20 ha, phòng trừ trong kỳ 3.029 ha.
  1. Tiêu thụ

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9 cả nước xuất khẩu 583.203 tấn gạo, tương đương 275,3 triệu USD, giá trung bình 472 USD/tấn, giảm gần 19% cả về lượng và kim ngạch, giảm nhẹ 0,2% về giá so với tháng 8. Còn so với tháng 9/2021 cũng giảm 1,6% về lượng, giảm 6% kim ngạch và giảm 4,4% về giá.

Tính chung cả 9 tháng năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 5,37 triệu tấn, tương đương gần 2,61 tỷ USD, tăng 17,7% về khối lượng, tăng gần 8% về kim ngạch so với 9 tháng năm 2021, giá trung bình đạt 484,9 USD/tấn, giảm 8,4%.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 46% trong tổng lượng và chiếm 44% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 2,47 triệu tấn, tương đương 1,14 tỷ USD, giá trung bình 462,9 USD/tấn, tăng mạnh 35,3% về lượng, tăng 22,2% về kim ngạch nhưng giảm 9,7% về giá so với 9 tháng đầu năm 2021.

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm 11,7% trong tổng lượng và chiếm 12,3% trong tổng kim ngạch, đạt 626.012 tấn, tương đương 319,41 triệu USD, giá trung bình 510,2 USD/tấn, giảm 26% về lượng và giảm 24,7% kim ngạch; giá tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 546.976 tấn, tương đương 246,9 triệu USD, giá 451,4 USD/tấn, tăng mạnh 94,4% về lượng và tăng 71,2% kim ngạch nhưng giảm 11,9% về giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 10,2% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

3. Diễn biến giá

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa và gạo ở khu vực ĐBSCL trong tuần cuối tháng 9 nhìn chung đều tăng. Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.750 đồng/kg, giá bình quân là 5.582 đồng/kg, tăng 86 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.350 đồng/kg, trung bình là 6.571 đồng/kg, tăng 113 đồng/kg, theo báo Nông nghiệp Việt Nam.

Giá các mặt hàng gạo cũng có sự tăng nhẹ.Theo đó, giá gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.700 đồng/kg, giá bình quân 9.479 đồng/kg, tăng 179 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.400 đồng/kg, giá bình quân 9.275 đồng/kg, tăng 167 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.150 đồng/kg, giá bình quân 9.058 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg.

Gạo lứt loại 1 có giá trung bình 8.863 đồng/kg, tăng 248 đồng/kg.Tại Nam Bộ đang vào cao điểm mùa mưa lũ, thời tiết rất phức tạp nên việc thu hoạch, phơi sấy rất khó khăn, tiến độ thu hoạch rất chậm.

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên từ 420 – 425 USD/tấn so với mức từ 400 – 410 USD/tấn trong tuần trước. Số liệu sơ bộ cho thấy 37.400 tấn gạo được thông quan qua cảng TP.HCM vào các ngày từ 1 – 9/10; trong đó phần lớn xuất sang Philippines và Bangladesh.

PHẦN 3: DỰ BÁO

Xuất khẩu gạo Việt Nam có thể đạt và vượt kế hoạch trong năm 2022

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, theo kế hoạch năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt khoảng 6,3 đến 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 đến 200.000 tấn so với năm 2021. Nếu không có các yếu tố bất lợi mới, khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 sẽ đạt và vượt kế hoạch.

Thống kê mới nhất từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tính từ đầu năm 2022 đến hết ngày 15/9, xuất khẩu gạo của nước ta đã đạt 5,02 triệu tấn, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,44 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo kế hoạch năm 2022, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt khoảng 6,3 đến 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 đến 200.000 tấn so với năm 2021. Dự kiến, 4 tháng còn lại của năm 2022, xuất khẩu khoảng 1,5 đến 1,7 triệu tấn. Nếu không có các yếu tố bất lợi mới, khả năng xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2022 sẽ đạt và vượt kế hoạch.

MXV nhận định, nhìn chung, bức tranh cung cầu của thị trường gạo đang thiên về một xu hướng tăng trong giai đoạn quý IV/2022 và đầu năm 2023.Thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á, nơi chiếm 90% sản lượng gạo toàn cầu, đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt đáng báo động.Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu, trong khi Trung Quốc dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 6 triệu tấn gạo trong năm tới sẽ là cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam.

(Nguồn vietnambiz.vn)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here