PHÂN TÍCH DOANH NGHIỆP FCN
KẾT QUẢ KINH DOANH NĂM 2022:
Trong năm 2022, lợi nhuận ròng thấp nhất kể từ khi niêm yết do backlog cuối năm 2021 giảm đáng kể, chi phí vật liệu xây dựng và lãi vay tăng cao.
Doanh thu (DT) năm 2022 của FCN giảm 12,6% svck xuống 3.045 tỷ đồng, trong khi LN ròng giảm mạnh 42,8% svck xuống 39 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 36,6% dự phóng cả năm của chúng tôi do: (1) Biên LN gộp giảm 1,8 điểm % xuống còn 11,7% do chi phí vật liệu xây dựng tăng mạnh trong giai đoạn năm 2021 – 6 tháng đầu 2022, (2) Chi phí lãi vay tăng 45,2% do tổng nợ vay cuối năm 2021 tăng 55% svck. Chú ý trong Q4/22, FCN đã chuyển nhượng 100% cổ phần tại nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 cho đối tác Leader Energy (nhà đầu tư tổ chức mảng năng lượng từ Malaysia), ghi nhận khoản lãi 145 tỷ đồng vào doanh thu hoạt động tài chính.
LUẬN ĐIỂM ĐẦU TƯ:
Mảng xây lắp: Trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong giai đoạn 2023/24.
Chúng tôi ước tính giá trị backlog mảng xây lắp cuối năm 2022 là khoảng 2.750 tỷ đồng (+37,5% svck). Theo quan điểm của chúng tôi, lượng backlog này sẽ đảm bảo doanh thu của FCN hồi phục mạnh trong năm 2023.
Chúng tôi kỳ vọng FCN sẽ ký các hợp đồng mới với tổng trị giá là 3.675 tỷ đồng (+5% svck) trong năm 2023. Thực tế cho thấy, trong tháng 2/2023, FCN đã ký nhiều hợp đồng với tổng trị giá khoảng 463 tỷ đồng, bao gồm:
- Gói thầu “Cung cấp, thi công cọc đại trà và thí nghiệm cọc” (179 tỷ đồng) tại nhà máy điện LNG Nhơn Trạch 3&4.
- Gói thầu “Xây dựng tường vây phía nam nhà ga 11” (62 tỷ đồng) của Tuyến đường sắt đô thị (Metro Line 3) Hà Nội.
- Gói thầu “Thi công cọc kho than” (75 tỷ đồng) tại Nhà máy điện than Vũng Áng 2.
- Gói thầu “Xây dựng đường cao tốc” Hậu Giang-Cà Mau (147 tỷ đồng).
Cùng với đó, việc Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm 2023 sẽ tác động tương đối tích cực đến FCN, giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội ký các hợp đồng xây dựng hạ tầng. Chúng tôi ước tính giá trị backlog xây lắp của FCN vào cuối năm 2023 sẽ là 3.357 tỷ đồng (+22,1% svck).
Trong năm 2024, chúng tôi kỳ vọng FCN sẽ ký các hợp đồng mới với tổng trị giá 4.226 tỷ đồng (+15% svck). Chúng tôi nhận thấy có dấu hiệu phục hồi kinh tế năm 2024 như: (1) Chính sách tiền tệ sẽ chuyển sang nới lỏng, giúp thúc đẩy đầu tư, thu hút dòng vốn FDI và cải thiện triển vọng cho ngành sản xuất và bất động sản, (2) dự thảo quy hoạch điện 8 (dự thảo QHĐ 8) kỳ vọng sẽ được phê duyệt, giúp FCN có nhiều cơ hội ký mới các dự án xây dựng điện gió, vốn là lợi thế cạnh tranh lớn của doanh nghiệp. Minh chứng trong giai đoạn 2020/21, FCN đã chứng tỏ năng lực thi công đúng tiến độ 6 dự án nhà máy điện gió (tổng công suất 522 MW), chiếm hơn 15% tổng công suất các nhà máy điện gió kịp vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021.
Chúng tôi ước tính FCN sẽ ký các hợp đồng mới trị giá lần lượt là 3.675 tỷ đồng (+5% svck) và 4.226 tỷ đồng (+15% svck) trong năm 2023/24. Với giá trị backlog cuối năm 2022 là 2.750 tỷ đồng (+37,5% svck), chúng tôi kỳ vọng doanh thu năm 2023/24 của FCN sẽ lần lượt là 4.076 tỷ đồng (+33,9% svck) và 4.430 tỷ đồng (+8,7% svck). Công ty đang triển khai thi công nhiều dự án lớn như Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2, Nhiệt điện Vũng Áng 2, Nhơn Trạch 3&4.
Kỳ vọng biên lợi nhuận gộp sẽ cải thiện trong 2023-24
Với lượng backlog lớn vào cuối năm 2022, chúng tôi kỳ vọng DT mảng xây lắp sẽ tăng 47,9% svck lên 3.918 tỷ đồng trong năm 2023. Ngoài ra, biên LN gộp của mảng xây lắp được dự báo sẽ tăng 2,9 điểm % svck lên 12% do: (1) 75% giá trị backlog ước tính cuối năm 2022 được đóng góp từ các dự án quy mô lớn, kỳ vọng đem lại biên lợi nhuận cao, (2) giá vật liệu xây dựng giảm mạnh trong nửa cuối năm 2022.
Mảng đầu tư: một vài thông tin tích cực cho triển vọng dài hạn
Trong Q4/22, FCN đã chuyển nhượng 100% vốn sở hữu tại nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 với công suất 50MWp cho đối tác Leader Energy – nhà đầu tư mảng năng lượng tái tạo đến từ Malaysia, mang lại khoản lợi nhuận 145 tỷ đồng trong doanh thu hoạt động tài chính. Như vậy, FCN chỉ còn sở hữu nhà máy điện gió Quốc Vinh-Sóc Trăng.
Đầu năm 2023, FCN đã có những thông tin tích cực về các dự án bất động sản (BĐS) như:
- Cụm công nghiệp Danh Thắng – Đoan Bái: Ngày 26/12/2022, tỉnh Bắc Giang quyết định thành lập Cụm công nghiệp Danh Thắng – Đoan Bái tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Diện tích dự án là 75 ha, FCN được chọn làm đơn vị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Tổng vốn đầu tư dự kiến cho dự án là 1.000 tỷ đồng. Việc xây dựng và vận hành, dự kiến sẽ bắt đầu từ năm 2023 đến Q3/24.
- Dự án Khu đô thị Nam Thái: Ngày 27/01/2023, tỉnh Thái Nguyên quyết định chọn FCN làm chủ đầu tư dự án có quy mô gần 25 ha. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.250 tỷ đồng. Theo kế hoạch, việc xây dựng và vận hành dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Tiềm năng tăng giá bao gồm (1) giá trị hợp đồng ký mới cao hơn kỳ vọng, đặc biệt ký các dự án lớn, có biên lợi nhuận cao; (2) các dự án BĐS được triển khai sớm hơn dự kiến.
RỦI RO GIẢM GIÁ GỒM: (1) giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao hơn dự kiến; (2) rủi ro pha loãng từ việc tăng huy động vốn.
(Nguồn: Vndirect)