PHÂN TÍCH DOANH NGHIỆP HDB
KẾT QUẢ KINH DOANH:
HDB công bố KQKD với lợi nhuận trước thuế quý 3/2022 của HDBank đạt 2.712 tỷ đồng, tăng 43,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất vượt 16.000 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập dịch vụ đạt trên 2.100 tỷ đồng, tăng 80,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.016 tỷ đồng, tăng 31,7% và hoàn thành 82% kế hoạch cả năm 2022 được cổ đông giao.
Các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động như ROE đạt 25,2%, ROA đạt 2,2%. Hệ số chi phí trên tổng thu nhập hoạt động (CIR) đạt 37%, tốt hơn mức 39% cùng kỳ năm trước. Nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,1%. An toàn vốn (theo chuẩn Basel II) đạt 15,3%, cao nhất từ trước tới nay.
TRIỂN VỌNG ĐẦU TƯ:
Nâng dự báo tăng trưởng cho vay cho năm 2023E.
Chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng cho vay năm 2023E lên 21% (+4ppt so với dự báo trước đó). Việc HDB tham gia tái cơ cấu một ngân hàng yếu kém (chưa được công bố chính thức) sẽ giúp ngân hàng này nhận được hạn mức tín dụng từ Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) cao hơn so với trung bình ngành và có khả năng sẽ được tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên hơn 30%. Ngoài ra, điểm tích cực là HDB sẽ không phải hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng yếu kém này vào báo cáo tài chính của HDB.
Huy động vốn tăng +13,4% trong 9T2022, đây là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất ngành. Tiền gửi từ KHCN chiếm 59% trong tổng tiền gửi tính đến Q3/2022. Tiền gửi không kỳ hạn chiếm 11,3% tổng tiền gửi tính đến Q3/2022.
Chúng tôi giảm dự báo tỷ lệ NIM -13bps so với dự báo trước đó, còn 4,67% (+4bps YoY) vào năm 2023E. Chúng tôi ước tính chi phí huy động vốn của HDB sẽ đạt khoảng 4,0% trong năm 2022E và sẽ tăng nhẹ lên 4,2% trong năm 2023E.
Tiềm năng từ thương vụ bancassurance độc quyền.
HDB đã kết thúc hợp đồng hợp tác kinh doanh bảo hiểm độc quyền với Dai-ichi Life trong năm 2021 và vẫn đang tìm kiếm đối tác mới kể từ đó. Ngân hàng cho biết hợp đồng độc quyền mới có thể sẽ được thực hiện sớm nhất vào nửa đầu năm 2023, và chúng tôi cho rằng điều đó giúp thúc đẩy tăng thu nhập phí bán bảo hiểm cũng như phí trả trước trong năm 2023E. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa ước tính tiềm năng thu phí trả trước từ thương vụ độc quyền này vào mô hình định giá của chúng tôi.
Chúng tôi tăng dự báo trích lập dự phòng thêm +23% so với dự báo trước đó, đạt 3,7 nghìn tỷ đồng trong năm 2022E (+27% YoY). Chất lượng tài sản của HDB vẫn duy trì ổn định, và ngân hàng đã trích lập toàn bộ cho các khoản nợ tái cơ cấu. Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ chi phí tín dụng (dự phòng / bình quân dư nợ cho vay) của ngân hàng sẽ tăng +20bps so với dự báo trước đó và đạt 1,31% (+3bp YoY) trong năm 2023E.
Nguồn vốn dồi dào và chất lượng tài sản ổn định Tổng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) trong Q3/2022 của ngân hàng (theo Basel II) là 15,3%, cao hơn nhiều so với mức yêu cầu tối thiểu là 8,0%.
Chất lượng tài sản vẫn ổn định. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) hợp nhất của HDB là 1,54% (-12bps YTD) tính đến hết Q3/2022, chúng tôi cho rằng tỷ lệ nợ xấu này vẫn khá ổn trong bối cảnh HDB sở hữu đến 50% cổ phần tại công ty tài chính tiêu dùng HD Saison. Nếu chỉ tính riêng ngân hàng mẹ, thì tỷ lệ NPL chỉ là 1,1% (-20bp YTD); tuy nhiên, tỷ lệ NPL của HD Saison lại lên đến 7,4% (+10bp YTD). Chúng tôi dự báo tỷ lệ NPL hợp nhất của HDB sẽ tăng nhẹ và đạt 1,56% (+3bp YoY) trong năm 2023E.
RỦI RO NGÀNH:
Tăng trưởng tín dụng giảm tốc và rủi ro NIM thu hẹp.
Việc tăng mạnh lãi suất điều hành đã tác động trực tiếp đến lãi suất huy động của tất cả các kỳ hạn và các ngân hàng đều đã phải tăng lãi suất huy động với tốc độ tương tự như vậy. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy lãi suất cho vay khó có thể theo kịp với chi phí huy động vốn tăng cao do NHNN đã và đang yêu cầu các NHTM duy trì mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Do đó, việc tăng lãi suất mạnh mẽ nói trên sẽ tác động tiêu cực đến NIM của các ngân hàng với chi phí vốn cao hơn.
Rủi ro chất lượng tài sản suy yếu.
Chúng tôi thấy một vấn đề khác rất đáng lưu ý đó là rủi ro “đứt gãy thanh khoản” giữa các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều này có thể ảnh hưởng lên chất lượng tài sản của các ngân hàng. Các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với chi phí lãi vay cao hơn (do đồng USD mạnh lên và lãi suất VND cao hơn), điều này làm giảm khả năng sinh lời và gia tăng áp lực nợ vay.
Mặt khác, thị trường vốn Việt Nam đang bị cản trở khi tín dụng từ ngân hàng hạn hẹp và việc phát hành TPDN bị siết chặt; do đó nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cân đủ nguồn vốn để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và gánh nặng đáp ứng nghĩa vụ nợ của các doanh nghiệp có thể tác động xấu lên chất lượng tài sản của các ngân hàng từ năm 2023 trở đi.