MBB – Tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định dù có nhiều khó khăn.

0
76

PHÂN TÍCH DOANH NGHIỆP MBB 

KẾT QUẢ KINH DOANH: 

tính đến hết quý III/2022, tổng tài sản tại MB Bank ghi nhận đạt 656.800 tỷ đồng, trong đó số dư tiền gửi khách hàng là 377.145 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của MB Bank đạt hơn 6.200 tỷ đồng, tăng gần 62% so với cùng kỳ. Trong quý, trích lập dự phòng giảm xuống còn 962 tỷ đồng, tương đương giảm gần 46%.

Được biết, trong năm 2022, MB Bank đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 20.300 tỷ đồng. Trong khi hết quý III năm nay, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đã đạt hơn 18.190 tỷ đồng. Như vậy, mặc dù số nợ có dấu hiệu tăng nhưng đến thời điểm hiện tại, MB Bank đã hoàn thành gần 90% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

TRIỂN VỌNG ĐẦU TƯ:

Nhìn lại kết hiệu suất kinh doanh đáng kinh ngạc giai đoạn vừa qua:

NIM tăng trưởng đáng ngạc nhiên: 9T22 thu nhập lãi (NII) tăng 38,7% svck nhờ cho vay tăng trưởng 26,7% svck và NIM mở rộng 67 điểm cơ bản svck. Cho vay tăng trưởng mạnh 17,2% sv đầu năm vào cuối tháng 9, trong đó cho vay bán lẻ tăng 22,8% sv đầu năm, chiếm 48,2% tổng cho vay của ngân hàng. Chúng tôi tin rằng đây là kết quả của việc ngân hàng đã nỗ lực trong việc thu hút khách hàng mới nhờ ứng dụng ngân hàng số MBBank, miễn phí giao dịch trọn đời, cung cấp tài khoản theo yêu cầu khách hàng,…Do đó, tỷ suất sinh lời trên tài sản sinh lãi tăng lên 8,32% trong Q3/22 và 8,26% trong 9T22, cao hơn nhiều so với mức 7,59% trong 9T21.

Về mặt huy động vốn, chúng tôi nhận thấy trong nửa đầu năm, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng của ngân hàng giảm từ 20 – 90 điểm cơ bản svck, trong khi lãi suất tiền gửi đối với các kỳ hạn trên 12 tháng tăng từ 20 – 40 điểm cơ bản.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn dưới 12 tháng luôn chiếm hơn 67% tổng tiền gửi khách hàng từ năm 2021 và CASA cao (41,6% cuối Q3/22 – cao thứ 2 trong số các ngân hàng niêm yết), điều này giúp chi phí vốn (CoF) trong Q1/22 và Q2/22 giảm 46 điểm cơ bản và 31 điểm cơ bản svck, tương ứng, bù trừ với CoF trong Q3/22 tăng 19 điểm cơ bản svck, dẫn đến CoF 9T22 giảm nhẹ 7 điểm cơ bản svck.

Chất lượng tài sản ngày càng được nâng cao: MBB áp dụng mô hình ba tuyến phòng thủ vào quản trị ngân hàng, đảm bảo tách bạch chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, tránh chồng chéo, nâng cao tinh thần trách nhiệm của ngân hàng trong việc xác định, đánh giá, giám sát và kiểm soát rủi ro. Nhờ đó, tỷ lệ nợ xấu (NPL) ở mức 1,02% cuối Q3/22, thấp hơn mức 1,18% cuối Q2/22 và cao hơn mức 0,98% cuối Q4/21. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm về 207,7% cuối Q3/22 từ mức 221,4% cuối Q2/22 và 268% cuối Q4/21.

Triển vọng đầu tư giai đoạn tới.

Chúng tôi tin rằng MBB là một trong số ít các ngân hàng có khả năng có hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn giai đoạn 2023-2024. Với tỷ lệ an toàn vốn khoảng 12%, LDR khoảng 78% cuối Q3/22 (Nguồn: VNDIRECT Research ước tính), và tham gia vào xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, chúng tôi dự báo tăng trưởng cho vay của ngân hàng đạt 23%/18%/18% giai đoạn 2022-2024.

Với tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao (41,6% cuối Q3/22 – cao thứ 2 trong số các ngân hàng niêm yết), và có khả năng mở rộng thị phần cho vay cá nhân nhờ nền tảng khách hàng vững chắc và các công ty con trong hệ sinh thái, MBB là một trong số ít các ngân hàng có khả năng giảm thiểu rủi ro khi NIM bị thu hẹp trong tình hình chi phí vốn đang ngày càng gia tăng. Chúng tôi kỳ vọng NIM ngân hàng đạt 5,4%/5,3%/5,4% giai đoạn 2022-2024.

Chúng tôi kỳ vọng ngân hàng duy trì tốc độ tăng trưởng LN ròng đạt 37,8%/14,9%/18,1% svck giai đoạn 2022-2024 nhờ cho vay tăng trưởng 23%/18%/18% svck và NIM đạt 5,4%/5,3%/5,4% giai đoạn này. Hiện tại, MBB đang giao dịch ở mức 1,0 lần P/B 2022 (mức trung bình ngành là 1,2 lần), thấp hơn 50% so với mức P/B trung bình 3 năm.  

RỦI RO:

Tỷ trọng tín dụng cao vào các ngành liên quan đến BĐS:

Bên cạnh cho vay xây dựng và bất động sản chiếm 5,6% và 4,5% tổng dư nợ, trái phiếu doanh nghiệp chiếm 11% tổng tín dụng với 33% là trái phiếu bất động sản và 43% là trái phiếu năng lượng tái tạo, 53% trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn trong 3 năm tới trong khi con số này ở mảng năng lượng tái tạo chỉ là 2,3%, cho thấy áp lực đáng kể ở mảng bất động sản.

Mặc dù MBBank lạc quan về dòng tiền trả nợ khi tỷ lệ bán hàng của các dự án của các nhà phát hành trái phiếu trong danh mục của mình hiện đạt trên 80%, có thể nhận thấy rủi ro về tiêu thụ của nhóm bất động sản (gián tiếp là xây dựng) sẽ tăng lên khi xét đến tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo (LTV) của phân khúc cho vay bất động sản khá cao tầm 70% và tỷ lệ nợ/thu nhập của khách hàng cá nhân vay mua nhà lên đến 70%, trong bối cảnh thu nhập của người mua nhà ít nhiều sẽ chịu tác động tiêu cực của bối cảnh vĩ mô.

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here