NLG nắm giữ gần 4,179 tỷ đồng tiền mặt vào cuối tháng 9

0
85

Theo BCTC hợp nhất quý 3/2022 vừa được công bố, CTCP Đầu tư Nam Long (HOSENLG) ghi nhận doanh thu thuần quý 3 gấp gần 6 lần cùng kỳ.

Cụ thể, quý 3, doanh thu thuần đạt gần 882 tỷ đồng, gấp 6 lần so với quý 3/2021. NLG cho biết phần lớn doanh thu có được nhờ hoạt động bán nhà và căn hộ (chiếm 92% tổng doanh thu), trong đó chủ yếu đến từ 2 dự án trọng điểm là Akari và Southgate. Sau khi trừ giá vốn, NLG lãi gộp hơn 358 tỷ đồng, gấp 4.7 lần.

Tuy nhiên, kết quả mà NLG đạt được nhanh chóng bị bào mòn bởi các chi phí. Tiêu biểu nhất là chi phí bán hàng, ghi nhận đến hơn 107 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ xấp xỉ 9 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu tài chính cũng giảm 92%, còn 29 tỷ đồng, do cùng kỳ Công ty phát sinh khoản lãi từ việc mua CTCP Southgate.

Hệ quả, NLG chỉ lãi gần 8 tỷ đồng trong quý 3, giảm 83% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, lãi ròng giảm 71%, còn hơn 119 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm của NLG. Đvt: Tỷ đồng

Tại thời điểm 30/09/2022, tổng tài sản của NLG đạt hơn 25.5 ngàn tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Trong đó, đáng chú ý là lượng tiền mặt (gồm tiền và tiền gửi ngắn hạn) đạt gần 4,179 tỷ đồng, tăng 8%. Hàng tồn kho cũng tăng 4%, lên hơn 16 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng đa số vẫn là các dự án bất động sản dở dang.

Trong khi đó, nợ phải trả tăng 25%, lên hơn 12.6 ngàn tỷ đồng. Điểm sáng là lượng tiền người mua trả tiền trước tăng 56%, chiếm hơn 3.8 ngàn tỷ đồng.

Mặt khác, tổng vay nợ của NLG cũng tăng 27%, lên gần 4.6 ngàn tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng chiếm hơn 2,078 tỷ đồng, vay từ huy động trái phiếu hơn 2,517 tỷ đồng.

Đối với khoản vay ngân hàng ngắn hạn, NLG đang có 3 khoản vay tại OCB với tổng giá trị hơn 462 tỷ đồng, trong đó 133 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào cuối tháng 12 tới, phần còn lại sẽ đáo hạn trong nửa đầu năm 2023; 1 khoản vay gần 90 tỷ đồng tại Vietcombank chi nhánh TPHCM sẽ đáo hạn vào ngày 26/10/2022; 1 khoản vay cũng gần 90 tỷ đồng tại Ngân hàng Standard Chartered (Việt Nam), đáo hạn vào tháng 2/2023; 1 khoản vay đáo hạn vào ngày 21/10/2022 là khoản vay 55 tỷ đồng tại Ngân hàng United Overseas Bank; 1 khoản vay 240 tỷ đồng tại Ngân hàng Mizuho đáo hạn vào tháng 5/2023. Bên cạnh các ngân hàng trên, NLG còn một số khoản vay với các cá nhân gồm bà Phan Thị Thu Hiền, bà Nguyễn Thị Thu Hương và bà Phan Thị Thu Thủy với giá trị lần lượt là 130 tỷ đồng, 100 tỷ đồng và 50 tỷ đồng. Tất cả khoản vay vừa kể đều được NLG dùng vào mục đích hỗ trợ nhu cầu vốn lưu động.

Về tài sản đảm bảo, trừ khoản vay với 3 cá nhân và Vietcombank là vay tín chấp, các khoản vay còn lại đều được bảo đảm bằng tài sản thuộc quyền sở hữu của NLG hoặc được bảo lãnh bởi công ty mẹ.

Đối với khoản vay ngân hàng dài hạn, NLG đang có 2 khoản vay lần lượt hơn 649 tỷ đồng tại OCB và hơn 212 tỷ đồng tại VietinBank. Trong đó, khoản vay tại OCB dùng để tài trợ cho dự án Izumi, còn khoản vay tại VietinBank dùng để tài trợ cho dự án Paragon. Cả 2 khoản vay đều sẽ đáo hạn vào quý 2/2025 và được bảo đảm bằng quyền sử dụng đất tại khu vực thực hiện 2 dự án kể trên.

Các lô trái phiếu của NLG tại thời điểm 30/09/2022

Nguồn: NLG

Cũng để tài trợ cho các dự án, NLG đã huy động hơn 2,517 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu, trong đó lô đáo hạn gần nhất có giá trị 450 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào ngày 17/06/2023. Sang năm 2024, NLG sẽ đáo hạn lô trái phiếu 950 tỷ đồng vào đầu tháng 9, điểm đáng chú ý đây là lô trái phiếu duy nhất của NLG không có tài sản đảm bảo. Sang năm 2025, NLG sẽ tiếp tục đáo hạn lô trái phiếu 660 tỷ đồng vào tháng 6. Cuối cùng là vào năm 2029, Công ty sẽ đáo hạn lô trái phiếu 500 tỷ đồng do International Finance Corporation (IFC) làm trái chủ vào tháng 3.

Nguồn: VietStock

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here