PHÂN TÍCH DOANH NGHIỆP PC1
KẾT QUẢ KINH DOANH:
Về hoạt động kinh doanh, quý III/2022, Tập đoàn PC1 ghi nhận doanh thu đạt 3.005,93 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm tới hơn 97%, chỉ đạt vỏn vẹn 4,45 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 156,4 tỷ đồng.
Nguyên nhân lợi nhuận quý III/2022 sụt giảm mạnh chủ yếu là do các khoản chi phí tăng cao, trong đó chi phí tài chính gấp tới hơn 3 lần cùng kỳ lên 265,3 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 55,11% lên 96,17 tỷ đồng. Theo PC1, chi phí tài chính tăng cao chủ yếu là do 3 dự án điện gió đi vào vận hành nên chi phí lãi vay phát sinh.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 5.994,77 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 251,72 tỷ đồng, lần lượt giảm 21,81% và 56,46% so với cùng kỳ năm ngoái.
TRIỂN VỌNG ĐẦU TƯ:
Bề dày tên tuổi và có vị thế vững chắc trong ngành.
PC1 là một trong những doanh nghiệp xây lắp điện hàng đầu với bề dày lịch sử và kinh nghiệm, đã tham gia nhiều dự án lưới điện quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp. Doanh nghiệp cũng thể hiện năng lực làm tổng thầu EPC điện gió với 600MW đã tham gia cả trên bờ và gần bờ. Chúng tôi tin rằng PC1 có cơ hội lớn để bắt kịp với nhu cầu ngày càng tăng của nguồn điện NLTT, kéo theo đó là nhu cầu tương ứng đối với lưới truyền tải. Chúng tôi cho rằng Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8) và chính sách giá NLTT được ban hành sẽ là chất xúc tác cho tăng trưởng mảng này.
Mảng điện: nhân tố đóng góp chính giai đoạn 2022-2025.
Doanh thu mảng điện tăng trưởng mạnh 150% svck trong 9T22 nhờ các nhà máy điện gió mới đi vào hoạt động Hiện tại, PC1 có danh mục bao gồm 169MW thủy điện nhỏ và 144MW điện gió mới được bổ sung vào tháng 11/2021.
Kỳ vọng doanh thu từ mảng điện sẽ tăng trưởng kép 8,5% trong giai đoạn 2023-25 với sự đóng góp lớn từ điện gió. Hiện PC1 đang sở hữu 3 dự án điện gió với tổng công suất 144MW và chi phí đầu tư ước tính khoảng 5.763 tỷ đồng. Trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid, PC1 đã chứng tỏ được năng lực triển khai dự án khi cả 3 dự án đều hoàn thành trước hạn, theo đó được hưởng mức giá FIT ưu đãi là 8,5 UScent/kWh. Tuy nhiên, các dự án này được tài trợ từ khoản vay hợp vốn của 3 bên gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Tín dụng xuất khẩu Úc (EFA). Đây là khoản vay ngoại tệ, được chứng nhận là khoản vay “xanh”, do đó được hưởng lợi từ chính sách lãi suất rất hấp dẫn vào khoảng 5- 6%/năm.
Bất động sản nhà ở sẽ trở lại sau vài năm vắng bóng.
chúng tôi cho rằng phân khúc nhà ở tầm trung mà PC1 hướng đến là phân khúc có sức mua và nhu cầu thực cao. Do đó, chúng tôi nhận thấy những yếu tố trên sẽ ảnh hưởng nhẹ hơn đối với dự án bất động sản của PC1:
Hiện tại, tiến độ đầu tư các dự án này đều chậm so với kế hoạch, trong đó PC1 Gia Lâm dự kiến đến tháng 11 mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, sau đó là PC1 Định Công. Do đó, chúng tôi giả định tiến độ bán hàng của các dự án này sẽ bị trì hoãn sang năm 2023.
Chúng tôi kỳ vọng kế hoạch mở bán của PC1 Vĩnh Hưng và PC1 Thăng Long sẽ bị chậm lại một năm so với kế hoạch ban đầu do thị trường bất động sản bị thắt chặt và nhu cầu suy yếu trong bối cảnh lãi suất cao. Trong đó, PC1 Thăng Long sẽ bắt đầu bán 10% số căn hộ trong Q4/23, 70% trong năm 2024 và phần còn lại trong năm 2025. Đối với Vĩnh Hưng, chúng tôi kỳ vọng 60% số căn hộ sẽ được bán vào năm 2024, và số căn còn lại sẽ được chuyển sang năm 2025. Mặc dù tiến độ giữa PC1 Vĩnh Hưng và Thăng Long vẫn còn nhiều thông tin chưa rõ ràng, công ty dự kiến tổng doanh thu khoảng 2.300-2.400 tỷ đồng cho 2 dự án với biên LNST dự kiến trên 15%.
Mảng xây lắp: Chờ đợi cơ chế giá chính thức cho NLTT.
Sản xuất cột thép ghi nhận doanh thu bán hàng tăng mạnh, tăng 77% svck lên 558 tỷ đồng trong 9T22. Tuy nhiên, biên LN gộp thu hẹp chỉ còn 6,9% khiến LN gộp 9T22 giảm 17% svck xuống 37 tỷ đồng. Giá nguyên liệu đầu vào như thép, kẽm tăng mạnh đã gây áp lực lên giá thành sản xuất cột thép trong khi định mức gói thầu của EVN không thay đổi tương ứng. Vào cuối Q2/22, chúng tôi nhận thấy chi phí nguyên vật liệu có xu hướng giảm, đặc biệt là giá thép và chúng tôi kỳ vọng Q2/22 sẽ là đỉnh của giá mặt hàng này.
Chúng tôi kỳ vọng vào một xu hướng tăng dài hạn cho mảng xây lắp điện với nhu cầu nâng cấp lưới điện và phát triển các dự án NLTT. Theo đó, PC1 sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này nhờ năng lực và danh tiếng của công ty trong lĩnh vực này. Chúng tôi dự đoán lượng backlog ký mới sẽ tăng 10% hàng năm từ năm 2023 trở đi, do đó, doanh thu trong năm 2023-24 sẽ tăng 31% svck và 17% svck lên 7.290 tỷ đồng và 8.497 tỷ đồng tương ứng. Bên cạnh đó, chúng tôi dự báo biên LN gộp sẽ được mở rộng sau khi bị thu hẹp trong bối cảnh chi phí cao trong 6T22, giúp LN gộp đạt lần lượt đạt 697 tỷ đồng (+46% svck) và 744 tỷ đồng (+7% svck).
Mảng khai khoáng Niken sẽ mang lại dòng LN ổn định từ năm 2023.
Chúng tôi nhận thấy, PC1 đã bắt kịp xu hướng phát triển xe điện (EV) toàn cầu khi đầu tư vào dự án khai thác niken tại Cao Bằng. Với dự báo giá Niken tăng cao củng cố bởi nhu ngày càng tăng của mặt hàng này, chúng tôi dự đoán dự án khai thác quặng niken của PC1 sẽ ghi nhận kết quả tích cực ngay trong năm 2023.
Chúng tôi kỳ vọng mảng KCN sẽ đóng góp nhiều hơn từ năm 2023.
Trong năm 2021, PC1 đã mua tổng cộng 18,5 triệu cổ phiếu của CTCP Western Pacific (WP), trong đó 7 triệu cổ phiếu là của cổ đông hiện hữu và 11,5 triệu cổ phiếu còn lại phát hành riêng lẻ cho PC1.
60,2% cổ phần tại dự án Trung tâm logistic thông minh Yên Phong IIA: Khu công nghiệp tọa lạc tại Tam Giang, Bắc Ninh, có tổng diện tích 158ha, giá trị đầu tư 1.830 tỷ đồng. Yên Phong II-A dự kiến sẽ bắt đầu cho thuê và ghi nhận lợi nhuận từ năm 2023.
Cụm cảng và khu công nghiệp Yên Lệnh: Khu công nghiệp có tổng diện tích mặt bằng khoảng 70ha và tổng vốn đầu tư là 624 tỷ đồng, chúng tôi kỳ vọng KCN Yên Lệnh sẽ bắt đầu cho thuê từ năm 2024. Hà Nam hiện đang xây dựng chiến lược thu hút đầu tư với mục tiêu thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao.
Trong giai đoạn 2023-25, WP có kế hoạch phát triển cảng quốc tế Long An và các dự án KCN 1.000ha tại các tỉnh Bắc Giang và Hà Nam. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin cụ thể về các dự án này và chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là tiềm năng tăng giá cho PC1.
PC1 chia sẻ giá thuê trung bình cho Yên Phong II-A là 150USD/m2/kỳ thuê. Mặc dù giá cao hơn so mức trung bình 120USD/m2/kỳ thuê nhưng chúng tôi cho rằng đây là mức giá chấp nhận được khi Yên Phong II-A là một trong những đơn vị tiên phong đi theo mô hình cụm công nghiệp Logistics, với khả năng cung cấp tối đa dịch vụ hiện đại và đầy đủ cho khách thuê, và đây sẽ là các dự án được kỳ vọng đóng góp lớn cho lợi nhuận của DN trong thời gian tới.
Tiềm năng tăng giá:
- PC1 Gia Lâm và PC1 Định Công bắt đầu ghi nhận doanh thu theo đúng kế hoạch của công ty và nhanh hơn dự kiến của chúng tôi.
- QHĐ 8 và chính sách giá NLTT sẽ được công bố chính thức trong thời gian tới, thúc đẩy cho tăng trưởng back-log ký mới của công ty
- Giá niken neo ở mức cao hơn dự kiến, giúp tăng lợi nhuận kỳ vọng của dự án khai thác khoáng sản của PC1.
RỦI RO:
- Chúng tôi nhận thấy rủi ro tiềm ẩn từ chi phí tài chính và nợ vay tăng do tỷ lệ vay USD của doanh nghiệp khá cao cao đạt 4.061 tỷ đồng, chiếm 36% tổng nợ trong 9T22.
- Chúng tôi nhận thấy thách thức hiện tại của thị trường BĐS đang cản trở tiến độ triển khai của các dự án sắp tới, cũng như trở ngại trong việc thu xếp các thủ tục pháp lý.
(Nguồn: Vndirect)