PHÂN TÍCH DOANH NGHIỆP PLX
KẾT QUẢ KINH DOANH:
Theo đó, trên báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, PLX ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 73.700 tỷ đồng tăng 113% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, PLX ghi nhận lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 2.036 tỷ lên 2.803 tỷ đồng, tương ứng tăng 38%.
Cũng trong quý 3, PLX ghi nhận doanh thu tài chính tăng nhẹ từ 263 tỷ lên 279 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí tài chính lại tăng cao từ 214 tỷ lên 319 tỷ đồng trong quý 3, tương ứng tăng 49% – trong đó, chi phí lãi vay lại giảm so với cùng kỳ còn 154 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Petrolimex đạt 225.700 tỷ đồng – tăng 88% so với cùng kỳ (119.741 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế đạt 614 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm 2021 (2.952 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông ty mẹ giảm mạnh từ 2.235 tỷ giảm còn 312 tỷ đồng, tương ứng giảm 86%.
TRIỂN VỌNG ĐẦU TƯ:
Vị thế thống lĩnh thị phần tại Việt Nam.
Vị thế thống lĩnh trong lĩnh vực phân phối xăng dầu tại Việt Nam với mạng lưới hơn 5.500 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc, chiếm khoảng 50% thị phần và bỏ xa nhà phân phối lớn thứ hai.
Việc điều chỉnh tăng chi phí định mức tính giá cơ sở xăng dầu sẽ hỗ trợ cho HĐKD của PLX.
Chi phí định mức cấu thành giá cơ sở xăng dầu đã được điều chỉnh:
- Cơ quan quản lý điều chỉnh tăng chi phí định mức đối với mặt hàng xăng RON92/RON95 thêm 350 đồng/lít lên tương ứng là 1.320 đồng/1.340 đồng/lít (+36%/35% so với trước đó) kể từ tháng 10.
- Đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu, chi phí vận chuyển xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam (cấu thành giá CIF trong giá cơ sở xăng dầu) cũng được điều chỉnh tăng kể từ ngày 11/11 (Hình 7).
Chúng tôi cho rằng những điều chỉnh này sẽ phản ánh sát hơn diễn biến của thị trường, giúp giảm áp lực cho các doanh nghiệp phân phối xăng dầu như PLX.
Nhu cầu xăng dầu dự kiến sẽ tăng cao trong giai đoạn tới.
Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép là 5,5% trong giai đoạn 2022-30. Đây sẽ là tiền đề để các doanh nghiệp phân phối xăng dầu tăng trưởng trong những năm tới. Trong khi đó, giá dầu thế giới được kỳ vọng sẽ ổn định hơn so với một năm 2022 đầy biến động, điều này có thể làm giảm rủi ro đánh giá lại hàng tồn kho của PLX.
Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành cơ chế để PVN xử lý vấn đề tài chính đối với NMLD Nghi Sơn (NSR). Đây sẽ là tiền đề để NSR hoạt động ổn định trong những năm tới, giúp tăng tỷ trọng nguồn cung xăng dầu trong nước và giảm chi phí nhập khẩu cho các doanh nghiệp phân phối.
Động lực tăng giá tiềm năng.
- Sản lượng tiêu thụ xăng dầu cao hơn dự kiến
- Thương vụ thoái vốn tại PG Bank.
Việc thoái 40% vốn khỏi PGBank của Petrolimex được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sở giao dịch chứng khoán. Tạm tính theo giá hiện tại, 40% cổ phần PGBank do Petrolimex nắm giữ có giá thị trường vào khoảng 2.520 tỷ đồng . Tuy vậy, định giá này đã giảm mạnh so với mức hơn 4.500 tỷ đồng ghi nhận vào cuối năm 2021, khi thị giá PGB đạt đỉnh gần 38.000 đồng/cổ phiếu => khi kế hoạch được triển khai thành công sẽ đóng góp lớn vào lợi nhuận của của DN trong giai đoạn tới.
RỦI RO:
- Chi phí kinh doanh xăng dầu cao hơn dự kiến.
- Rủi ro tỷ giá: Do giá xăng dầu đầu vào được tính theo đồng USD trong khi giá bán sản phẩm tính theo đồng VND, chúng tôi cho rằng PLX sẽ đối mặt với rủi ro từ việc đồng USD mạnh lên.