PLX – TRIỂN VỌNG TÍCH CỰC NHỜ THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC ỔN ĐỊNH (cập nhật)

0
82

PHÂN TÍCH DOANH NGHIỆP PLX

KẾT QUẢ KINH DOANH NĂM Q4/2022:

Doanh thu (DT) Q4/22 tăng 59,1% svck lên 78.383 tỷ đồng nhờ cả sản lượng tiêu thụ xăng dầu (+22,6% svck) và giá bán bình quân (+30% svck) đều tăng. Đáng chú ý, LN gộp Q4/22 tăng 44,5% svck (và 53% so với quý trước) nhờ: (1) điều chỉnh tăng chi phí định mức cấu thành giá cơ sở từ tháng 10-11/2022 và (2) hoàn nhập dự phóng giảm giá hàng tồn kho 357 tỷ đồng. Trong khi đó, LN tài chính thuần Q4/22 tăng hơn 11 lần svck, giúp bù đắp một phần cho mức tăng 38,7% svck của chi phí bán hàng. Nhờ đó, PLX ghi nhận sự phục hồi ấn tượng trong Q4/22 với LN ròng đạt 1.168 tỷ đồng (+93,4% svck), đóng góp 79% tổng LN cả năm. Trong năm 2022, DT tăng 79,9% svck lên mức kỷ lục là 304.080 tỷ đồng, nhưng LN ròng giảm 47,9% svck xuống 1.480 tỷ đồng.

LUẬN ĐIỀM ĐẦU TƯ:

Vị thế thống lĩnh trong lĩnh vực phân phối xăng dầu tại Việt Nam với mạng lưới hơn 5.500 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc, chiếm khoảng 50% thị phần và bỏ xa nhà phân phối lớn thứ hai.

TT xăng dầu trong nước ổn định trở lại là tín hiệu tốt cho HĐKD cốt lõi của PLX

Cơ quan quản lý gần đây đã điều chỉnh chi phí định mức tính giá cơ sở xăng dầu vào tháng 2/2023, chỉ ba tháng sau lần điều chỉnh trước đó. Động thái này cho thấy tín hiệu tích cực về việc cơ quan quản lý sẽ theo dõi diễn biến thị trường chặt chẽ và có những điều chỉnh kịp thời hơn.

Việc tính đúng, tính đủ và điều chỉnh kịp thời các loại chi phí định mức cấu thành giá bán cơ sở của cơ quan quản lý sẽ loại bỏ rủi ro đứt gãy nguồn cung cục bộ do việc điều hành giá chậm chạp như đã xảy ra trong năm 2022. Bên cạnh đó, điều này còn đảm bảo mức LN ổn định cho các DN kinh doanh xăng dầu như PLX trong những năm tới.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động hết công suất giúp ổn định nguồn cung trong nước.

Việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hoạt động hết công suất từ năm 2023 sẽ tăng tỷ trọng nguồn cung trong nước, giúp PLX giảm tỷ trọng nguồn nhập khẩu với chi phí vận chuyển cao.

Về cơ bản, chúng tôi kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của PLX sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới với tốc độ tăng trưởng kép là 4,9% trong giai đoạn 2023-25, nhờ: (1) nhu cầu xăng dầu ngày càng tăng của thị trường trong nước và (2) sự phục hồi sản lượng nhiên liệu máy bay nhờ hoạt động hàng không phục hồi.

Thương vụ thoái vốn tại PGB sẽ là động lực tăng giá tiềm năng trong ngắn hạn đối với PLX

Vừa qua, HĐQT của PLX đã thông qua phương án thoái vốn tại PGBank (PGB). Theo kế hoạch, PLX sẽ đưa 120 triệu cổ phiếu PGB, tương ứng tỷ lệ sở hữu 40% của ngân hàng, ra bán đấu giá tại HOSE vào ngày 7/4/2023 với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phiếu, tương đương quy mô giao dịch tối thiểu là 2.556 tỷ đồng.

Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy PGBank không nằm trong nhóm định chế tài chính yếu kém và có vị thế khá tốt trong nhóm ngân hàng TMCP nhỏ (xét theo quy mô tài sản và vốn điều lệ). Vì vậy, chúng tôi tin tưởng vào sự thành công của đợt thoái vốn sắp tới của PLX vì cơ hội để sở hữu một ngân hàng vẫn luôn hấp dẫn, đặc biệt là trong lĩnh vực có rào cản gia nhập cao như ngành ngân hàng Việt Nam. Trong trường hợp thường vụ thành công, đây sẽ là động lực tăng giá tiềm tiềm năng cho PLX trong ngắn hạn.

RỦI RO: Rủi ro giảm giá là chi phí kinh doanh xăng dầu cao hơn dự kiến và rủi ro biến động tỷ giá.

(Nguồn: Vndirect)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here