PHÂN TÍCH DOANH NGHIỆP PNJ
KẾT QUẢ KINH DOANH QUÝ 4/2022:
Trong Q4/2022, PNJ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 8,3 nghìn tỷ đồng (+18% so với cùng kỳ) và 466 tỷ đồng (+3% so với cùng kỳ). Mặc dù tăng trưởng lợi nhuận trong Q4/2022 giảm tốc đáng kể (so với 133% so với cùng kỳ trong 3 quý đầu năm 2022) do chi tiêu của người tiêu dùng yếu hơn.
Tuy chi tiêu của người tiêu dùng tại Việt Nam suy yếu trong Q4/2022, doanh thu bán lẻ của PNJ đã cải thiện 24% so với cùng kỳ nhờ nỗ lực thúc đẩy doanh thu từ các khách hàng hiện tại, cũng như mở rộng tệp khách hàng. Trong quý, PNJ đã mở mới 12 cửa hàng vàng (33 cửa hàng trong năm 2022) và nâng cấp 12 cửa hàng cũ (31 cửa hàng trong năm 2022). Doanh thu bán buôn đi ngang, trong khi doanh thu vàng miếng tăng 9% so với cùng kỳ.
Biên lợi nhuận gộp giảm từ 18,2% trong Q4/2021 xuống còn 17,7% trong Q4/2022, mặc dù có tỷ trọng đóng góp cao hơn từ doanh thu bán lẻ vốn có biên lợi nhuận cao (65% trong Q4/2022 so với 61% trong Q4/2021).
Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 33,9 nghìn tỷ đồng (+73% so với cùng kỳ) và 1,8 nghìn tỷ đồng (+76% so với cùng kỳ), hoàn thành 131% và 137% kế hoạch hàng năm.
LUẬN ĐIỂM ĐẦU TƯ:
Vị thế thanh khoản an toàn hỗ trợ tăng thị phần
Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế vĩ mô gặp nhiều thách thức sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận của PNJ trong nửa đầu năm 2023 trước khi phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, PNJ đã đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng là 12% so với cùng kỳ trong tháng 1/2023, do doanh thu vàng miếng tăng mạnh vào Ngày Thần Tài trong tháng 1/2023 (trong khi năm ngoái Ngày Thần Tài rơi vào tháng 2). Chúng tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm sẽ phản ánh chính xác hơn tác động từ những khó khăn của nên kinh tế vĩ mô.
Chúng tôi dự báo lợi nhuận ròng của PNJ sẽ tăng trưởng 13% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2023-2024, nhờ: (i) PNJ liên tục mở rộng mạng lưới và nâng cấp cửa hàng; và (ii) giành thị phần từ các cửa hàng nhỏ lẻ nhờ quy mô lớn, khả năng vận hành số lượng lớn cửa hàng trên toàn quốc với danh mục sản phẩm đa dạng và nhiều sản phẩm mới.
Về dài hạn, PNJ có thể phát triển theo hướng giành thị phần từ các nhà bán lẻ không có thương hiệu (hiện chiếm ~40% tổng thị trường), và chi tiêu cho trang sức có thể tiếp tục tăng cùng với thu nhập khả dụng.
KQKD tháng 1 tăng mạnh trong đó lợi nhuận ròng ghi nhận mức cao kỷ lục
Trong tháng 1/2023, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 4,1 nghìn tỷ đồng (+19% so với cùng kỳ) và 302 tỷ đồng (+12% so với cùng kỳ), hoàn thành 11% và 15% dự báo cả năm.
Do số ngày hoạt động ít hơn (các cửa hàng PNJ nghỉ Tết Nguyên đán trong 4 ngày), doanh thu bán lẻ giảm 2% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu bán buôn giảm 33% so với cùng kỳ. Doanh thu vàng miếng tăng 97% so với cùng kỳ, do Ngày Thần tài rơi vào tháng 1 năm nay, trong khi năm ngoái là vào tháng 2.
Mặc dù vàng miếng thường có biên lợi nhuận gộp ở mức một con số, nhưng biên lợi nhuận gộp tổng thể không giảm nhiều (18,5% trong tháng 1/2022 so với 18,2% trong tháng 1/2023) do biên lợi nhuận gộp mảng doanh thu bán lẻ cải thiện. Chúng tôi dự đoán biên lợi nhuận gộp mảng bán lẻ sẽ giảm trong các tháng sau do cầu yếu và người tiêu dùng lựa chọn mua trang sức hàm lượng vàng cao trong bối cảnh lạm phát cao.
Quan điểm ngắn hạn: Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận ròng sẽ đi ngang trong nửa đầu năm 2023, do lạm phát có thể đạt đỉnh trong giai đoạn này. Điều này có thể gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu trong ngắn hạn trước khi phục hồi trong nửa cuối năm 2023 khi lạm phát dự kiến lắng xuống. Các nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc tích lũy cổ phiếu khi giá giảm, vì doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng ổn định và vị thế thanh khoản tương đối an toàn (D/E là 0,3x tại thời điểm cuối năm 2022).
(Nguồn: SSI Research)