PHÂN TÍCH DOANH NGHIỆP POW
KẾT QUẢ KINH DOANH QUÝ 1/2023:
Kết quả kinh doanh ước tính quý 1/2023 với doanh thu hợp nhất ước đạt 7.914 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận trước thuế ước đạt gần 579 tỷ đồng, giảm 34% so với thực hiện trong quý 1/2022. Sản lượng điện ước đạt hơn 4 tỷ kWh.
PV Power cho biết, trong quý 1 doanh thu toàn Tổng công ty vượt 20% kế hoạch nhờ doanh thu trực tiếp công ty mẹ tăng 14% do sản lượng điện NMĐ Cà Mau 1 và 2 vượt trội cũng như sản lượng tại các công ty con vượt kế hoạch. Trong quý I, công ty đã tiến hành bảo dưỡng các nhà máy điện (NMĐ) vận hành an toàn, hiệu quả. Trong đó, Tổ máy số 1 NMĐ Vũng Áng 1 đang dừng vận hành để thực hiện đại tu kết hợp khắc phục sự cố.
Bước sang quý 2/2023, PV POW đặt mục tiêu sản lượng điện gần 4,3 tỷ kWh và triển khai sửa chữa định kỳ các nhà máy điện đảm bảo an toàn, tiến độ. Công cũng tiếp tục đảm bảo cấp than ổn định, liên tục cho NMĐ Vũng Áng 1.
LUẬN ĐIỂM ĐẦU TƯ:
Sản lượng điện tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2023.
Chúng tôi dự báo sản lượng điện năm 2023 phục hồi mạnh mẽ, đạt 18 tỷ kwh, tăng 21% so với năm 2022. Trong năm 2022, tổ máy số 1 thuộc nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 gặp sự cố kỹ thuật và phải tạm dừng hoạt động để trùng tu. Kể từ tháng 3/2023, nhà máy này đã hoạt động trở lại bình thường. Ngoài ra, sự phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh khu công nghiệp hậu COVID phần nào thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ điện.
Các dự án nhà máy nhiệt điện liên tục được đầu tư mở rộng và đi vào phát điện thương mại.
Động lực tăng trưởng kinh doanh của POW mở rộng khi các dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện đi vào phát điện thương mại. Trong trung và dài hạn, dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4, Miền Trung 1&2, LNG Cà Mau 3, và LNG Quảng Ninh với tổng công suất 6.000 MW tiềm năng gấp đôi doanh thu hiện tại.
POW được hưởng lợi từ dự báo thiếu hụt điện của Việt Nam từ năm 2023, và điều kiện El Nino mạnh lên.
Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện đạt 8,5%/năm, tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng. Dự báo sản lượng điện thiếu hụt trên toàn hệ thống sẽ vào khoảng 13,3 tỷ kWh trong năm 2023 và 27,7 tỷ kwh đến năm 2025. Ngoài ra, điều kiện thời tiết La Nina suy yếu khiến cho các doanh nghiệp nhiệt điện được hưởng lợi khi sản lượng điện theo hợp đồng tăng (Qc) được EVN giao tăng thêm.
Sức khỏe tài chính tốt giúp POW duy trì tăng trưởng dòng tiền dương trong trung và dài hạn.
Nguồn lực tài chính được củng cố khi nợ vay dài hạn tiếp tục giảm, vốn chủ sở hữu tăng, chiếm 58,5% tổng nguồn vốn, và dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh đạt 3.156 tỷ đồng.
Chúng tôi dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn của POW. Chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế dự báo lần lượt đạt 32.113 tỷ đồng và 3.374 tỷ đồng, bằng 121% và 132% của năm 2022. Thu nhập m cổ phần đạt 1.186 đồng/cổ phần.
RỦI RO:
- Sản lượng điện theo hợp đồng được EVN giao thấp hơn dự kiến, kéo theo hiệu quả kinh doanh giảm sút, nguồn tiền mặt hạn chế khiến POW có thể tiếp tục sử dụng phương án đảo nợ cho các khoản vay ngắn và dài hạn;
- Giá nguyên vật liệu đầu vào bao gồm khí và/hoặc than tăng mạnh do nguồn cung hạn hẹp khiến BLNG có thể co lại, đặc biệt với nhà máy điện có sản lương điện theo hợp đồng (Qc) trên 85% như POW;
- Tình trạng đội vốn của dự án Nhơn Trạch 3&4 có thể xảy ra khi dự án này đang ở giai đoạn xây nền.
ĐỊNH GIÁ: Chúng tôi kết hợp 5 phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền DCF bao gồm FCFF, và FCFE; và phương pháp so sánh chỉ số PE, PB, và EV/EBITDA với trọng số tương đương nhau. Giá trị cổ phiếu POW được xác định ở mức 19.600 đồng/cổ phần.