PHÂN TÍCH DOANH NGHIỆP VHC
KẾT QUẢ KINH DOANH QUÝ 4/2022
Trong Q4.2022, VHC đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 2,5 nghìn tỷ đồng (-7,8% so với cùng kỳ) và 200 tỷ đồng (-58,2% so với cùng kỳ), thấp hơn so với ước tính của chúng tôi do giá bán cá tra bình quân giảm nhanh hơn dự báo. Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2022 ghi nhận kết quả tốt hơn với doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 13,2 nghìn tỷ đồng (+46% so với cùng kỳ) và 2 nghìn tỷ đồng (+82% so với cùng kỳ) – đấy là kết quả lợi nhuận ròng cao kỷ lục. Bất chấp Q4 đầy biến động, VHC đã hoàn thành lần lượt 102% và 124% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng cả năm.
LUẬN ĐIỂM ĐẦU TƯ:
Thị phần ở thị trường Mỹ duy trì ổn định.
Sau kết quả về thuế chống bán phá giá POR17, nhiều doanh nghiệp nhận được mức thuế suất ưu đãi 0% nên bắt đầu gia nhập vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên thị phần của Vĩnh Hoàn tại Mỹ vẫn duy trì ổn định, do hằng năm Chính phủ Mỹ sẽ xem xét và đánh giá lại mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho từng doanh nghiệp. Với kinh nghiệm hơn 20 năm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, cùng đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, VHC tự tin có thể duy trì mức thuế suất ưu đãi 0% qua các đợt đánh giá lại.
Các chính sách phong tỏa phòng trống dịch Covid của Trung Quốc đã khiến tình hình sản xuất của Trung Quốc bị đình trệ, tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu thêm để bù đắp cho nhu cầu cao của thị trường này. 10 tháng đầu năm 2022, doanh thu xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc của VHC tăng nhẹ 5%, VHC sẽ tiếp tục tập trung vào thị trường Mỹ nhiều hơn, do thị trường Trung Quốc ưa thích mặt hàng rẻ, không phù hợp với dòng sản phẩm chất lượng cao của Vĩnh Hoàn vốn đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Mỹ.
Đầu tư vào máy móc thiết bị hiện đại để cải thiện và tự động hóa quy trình sản xuất.
Theo nghị quyết năm 2022, Vĩnh Hoàn sẽ chi 1.530 tỷ cho việc đầu tư trùng tu và xây dựng nhà máy mới, cải tạo vùng ao nuôi cá.
Doanh nghiệp đang hướng tới tự động hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu chi phí nhân công và nâng khả năng tự chủ nguyên liệu của mình. Diện tích ao nuôi hiện tại của VHC là 720 ha và doanh nghiệp dự định sẽ mở rộng vùng ao nuôi từ 100-150 ha để duy trì tỷ lệ tự chủ 70% về nguyên liệu cá đầu vào, 30% nguyên liệu cá còn lại VHC vẫn sẽ tiếp tục duy trì thu mua từ các hộ bên ngoài để giảm rủi ro khi dịch bệnh xuất hiện trong các trang trại của mình, tận dụng khi giá cá nguyên liệu giảm, đồng thời bán thức ăn chăn nuôi của mình cho các hộ chăn nuôi với cam kết sẽ mua lại số lượng nhất định nguồn cá nguyên liệu từ họ.
Mảng C&G vẫn đang vận hành rất tốt, lợi nhuận gộp vẫn duy trì ở mức 30% trong các năm trước, các nhà máy của Vinh Wellness đã chạy hết công suất là 3500 tấn/năm. VHC dự định sẽ mở rộng thêm một line sản xuất, nâng công suất lên 1700 tấn/năm, VHC cũng đã có những đơn hàng mới để chạy hết công suất là 5200 tấn/năm. Việc này sẽ nâng lợi nhuận gộp của mảng C&G lên 40-60% trong những năm tới.
VHC cũng đang mở rộng sản xuất kinh doanh sang mảng trái cây sấy và nước hoa quả. Nhà máy chế biến hoa quả Thành Ngọc được khởi công xây dựng từ đầu năm nay và dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 5/2023.
Quan điểm ngắn hạn: Các chuyển động tích cực về sản lượng và giá bán của các đơn đặt hàng sang Trung Quốc sẽ khiến các cổ phiếu thủy sản khởi sắc trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cho rằng cổ phiếu vẫn có nhiều biến động do dự báo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 tương đối yếu.
RỦI RO:
(1) Do ngành cá tra có tính chất chu kỳ, quý 4 hàng năm đang là thời kỳ cao điểm của ngành do cận kề các dịp lễ Tết. Giá cá sẽ hạ nhiệt dần trong nửa đầu năm 2023 khiến các doanh nghiệp sẽ ghi nhận doanh thu tăng trưởng âm và bắt đầu hồi phục từ khoảng quý 3/2023.
(2) Thiếu hụt lao động ở các cảng biển, khiến việc vận chuyển các lô hàng bị đình trệ.
(3) Hiện tượng thời tiết nóng lên ảnh hưởng đến việc chăn nuôi cá tra